VLDD - Lan kiếm Phan Trí - Hoàng Phan Sư - Vườn lan Duy Dương 0914.336.889 - Vườn Lan Duy Dương

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2020

VLDD - Lan kiếm Phan Trí - Hoàng Phan Sư - Vườn lan Duy Dương 0914.336.889

Nói về kiếm Việt việc loạn tên nó có từ xưa. Cơ bản là vì chả có cơ quan nào thống kê ghi nhận tên các em nó cả. Khi cây được chia sẻ thì tam sao thất bản thành thử cùng một cây có nhiều tên là chuyện bình thường.
Cây HOÀNG PHAN SƯ này cũng vậy đến nay khi những người đầu tiên chia sẻ em nó ra công nhận HOÀNG LONG, PHAN TRÍ, SƯ PHỤ là một , cùng từ một nguồn chia ra thì nhiều anh em vẫn mặc nhiên chia nó ra làm 3.
Mình xin chia sẻ lại bài về nguồn gốc của cây để anh em cùng nhận định, đánh giá về cây kiếm số 1 Việt Nam này.


#Hoàng_Long: cây kiếm QUÂN VƯƠNG trong làng kiếm Việt
Trong loạn thế quần hùng ắt phải có thủ lĩnh. Đó phải là người có tài năng và cốt cách vượt trội, được mọi người đồng lòng suy tôn. Và trong số các cây kiếm tiên vũ đột biến rừng Việt, khó có cây kiếm nào xứng danh QUÂN VƯƠNG hơn cây kiếm mang tên HOÀNG LONG.


Hoàng Long là cây kiếm xuất sắc, đẹp toàn diện cả thân củ, lá và hoa. Củ phát từ đáy, cây trưởng thành củ mập hơn lon bia, hơi thon phần cổ lá. Thùy lá xanh sạch, măng mầm xanh nõn chuối. Bộ lá xòe mở, vút thẳng, bản lá dày và to bậc nhất trong làng kiếm. Lá kiếm Hoàng Long đạt 5-6-7 cm là rất bình thường, có cây còn đạt hơn 7cm. Với bộ dạng khủng và tốn nhiều dinh dưỡng nuôi cây, Hoàng Long có thể phát triển không nhanh như một số cây kiếm khác, nhưng khi đủ lực tròn bụi Hoàng Long lên chậu như hoa hậu lên ngôi, với số đo các vòng hoàn hảo, thần thái uy nghi đĩnh đạc khiến các kiếm thủ ngất ngây. Và khi chậu kiếm Hoàng Long bung hoa, đó thực sự là một tuyệt tác của mẹ thiên nhiên, đơn giản là không chê vào đâu được. Cần hoa xanh, dài, thẳng, dày bông, phân hoa đều, với những bông hoa màu vàng dịu rực rỡ rủ xuống như chuỗi ngọc, toả hương khá đậm. Hoa semi-alba không tỳ vết, cánh bầu xếp cân đối tương đối khít, lưỡi trắng ánh hồng quyến rũ, giữa lưỡi có ánh vàng lan vào họng và lên trụ nhụy. Hoa nở đẹp nhất trong 8-12 giờ đầu khi lưỡi duỗi thẳng, sau đó lưỡi hơi cuộn lại và cánh hoa dần chuyển màu vàng đậm hơn.


Tổng thể là vậy, nhưng kiếm Hoàng Long soi kỹ mỗi lần nở hoa mỗi khác một chút, tùy mùa, tùy cách chăm sóc, tùy chế độ dinh dưỡng. Còn có dòng “Hoàng Long lùn” với thân lá rất ngắn (không quá 20-25cm), có thể do khác biệt lâu ngày về cách cho ăn nắng, cách tách cây, cách phân thuốc…
Cái đẹp phô bày hết ra ngoài của Hoàng Long không có gì phải bàn cãi, ngay cả những cây kiếm xịn của nước ngoài cũng phải ghen tỵ. Nhưng xuất xứ và tên gọi của cây kiếm QUÂN VƯƠNG này lại là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Từng có nhiều cái tên gắn với cây kiếm này: Hoàng Long, Phan Trí, Sư phụ, Thượng phương bảo kiếm, Mai Hoa (Phú Quốc), Gia Lai vàng... Bởi vậy, một số kiếm thủ lão làng đã so sánh các tên kiếm này trong thực tế (không chỉ qua một vụ hoa, mà qua vài vụ hoa để loại trừ các khác biệt do điều kiện nuôi trồng, thay đổi tiểu vùng khí hậu), đồng thời cất công tìm hiểu, truy nguyên nguồn gốc của nó.


Kết luận được phổ biến rộng rãi là: các tên kiếm này đều xuất thân từ một người là bác Nguyễn Minh ở Nhà Bè (nghe nói bác được tặng cây kiếm này từ nguồn rừng miền Trung), khoảng năm 2007 được tách tặng cho 3 người: thầy Trừu được mọi người gọi là Sư phụ, một thầy tên Quốc Anh, và thầy Phan Trí. Rồi từ 3 thầy cây kiếm dần được chia sẻ cho các kiếm thủ trong cả nước (bao gồm cả phát tán qua đường kiếm tặc hixx). Các thầy ngày xưa chỉ gọi cây kiếm này đơn giản là kiếm vàng, hoặc kiếm củ vàng. Cây mang tên Sư phụ từ nguồn nhà Sư phụ. Cái tên Hoàng Long xuất hiện vào khoảng năm 2010-2011 (tên đầy đủ là “Hoàng Long dâng châu”, sau gọi gọn lại là Hoàng Long), nguồn cây từ một kiếm thủ trong Sài gòn mua được cây này từ nguồn các thầy. Riêng cái tên Phan Trí, hoặc gọi tắt là Trí, được các kiếm thủ phía Bắc gọi theo tên thầy Phan Trí khi được thầy chia sẻ cây kiếm này ra Hải Phòng vào khoảng cuối năm 2011.
Bởi vậy, từ năm 2017 trở lại đây nhiều kiếm thủ đã chấp nhận cái tên ghép “Hoàng-Phan-Sư” (Hoàng Long – Phan Trí – Sư phụ) hoặc viết tắt là “HPS” để truy nguyên nguồn gốc và tránh thiệt hại cho người chơi. Vì một thời cây kiếm mang tên Hoàng Long có giá bán vượt trội so với các tên kiếm khác.
Nhưng vẫn có một dòng ý kiến cho rằng cây Hoàng Long có sự khác biệt với cây Phan Trí, về một số mặt như hình thái lưỡi hoa, màu hoa, đặc điểm sinh trưởng... Dòng ý kiến này cũng khá mạnh. Kể ra khác biệt ý kiến là bình thường. Điều đáng mừng, tuy mỗi người có thể gọi cây kiếm với tên khác nhau, đến nay mọi người đã chấp nhận các cây kiếm này đều được bán, mua với cùng một giá.


Nói gì thì nói, cái tên đẹp nhất, thể hiện đầy đủ nhất vị thế QUÂN VƯƠNG của cây kiếm chính là HOÀNG LONG. Cái tên đẹp cho một cây kiếm đẹp, đã góp phần thay đổi nhận thức của các kiếm thủ: để tỏa sáng trong làng kiếm, cây cần có tên, và tên cần tương xứng với cây.
Cây kiếm QUÂN VƯƠNG đẹp miễn chê là vậy, có khuyết điểm nào chăng? Xin thưa, khuyết điểm trầm trọng nằm ở bộ lá, với tình trạng lá sần khá phổ biến. Theo một số kiếm thủ, mẹ láng con chuyển sần có thể do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn khi tách chiết trồng lại cây mất rễ gặp thay đổi môi trường nắng quá hoặc lạnh quá dẫn đến mất nước, không đủ dinh dưỡng, bị các loại rệp bọ trích, do không sát trùng cẩn thận bị virus tấn công... Lá sần mang tính di truyền, cho đến nay chưa có biện pháp chuyển sần thành láng được công bố. Do tâm lý các kiếm thủ cả năm chơi lá 2 tuần chơi hoa, nên giá của cây sần hiện nay chỉ bằng 25-30% so với cây láng (dù đã có thời cách đây 5-6 năm giá cây sần không hề thua kém cây láng). Đây cũng là một thiệt thòi của cây sần, bởi cây sần có nét đẹp khỏe khoắn riêng, hoa vẫn lung linh như thường, thậm chí cây sần cánh hoa còn dầy hơn, màu còn rực rỡ hơn cây láng. Và sở hữu một cây Hoàng Long lá sần vẫn là mơ ước của nhiều kiếm thủ.
Cây kiếm QUÂN VƯƠNG thân thủ phi phàm, cốt cách và thần thái bậc nhất đã được nuôi trồng và nhân giống bởi các thầy, các kiếm thủ lão làng đất Sài Gòn. Ở nơi nắng là nắng mưa là mưa ấy, những người con đất phương Nam khí khái, hào sảng, phóng khoáng, nghĩa tình, luôn dang tay chào đón những người bạn muôn phương, luôn khởi đầu cho những điều mới mẻ. Thật tuyệt vời cho làng kiếm Việt, đó cũng là nơi khởi nguồn của cây kiếm QUÂN VƯƠNG độc đáo mang tên HOÀNG LONG – bảo bối trấn vườn của các kiếm thủ. Tự hào thay…
Bài viết của chú
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Responsive Ads Here